Chế độ tiền lương, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đây là vấn đề nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân bởi nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, NLĐ không đi làm được vì nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (bìa phải, Sở LĐ-TBXH tỉnh) tư vấn về chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đoàn Phú
Hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (bìa phải, Sở LĐ-TBXH tỉnh) tư vấn về chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đoàn Phú

Theo hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH), một trong những thắc mắc nhiều nhất hiện nay của NLĐ là việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc ngừng việc do dịch bệnh Covid-19 có được hưởng lương và chế độ nào không.

Tạm hoãn HĐLĐ có được hưởng lương?

Anh Phạm Văn Son (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, vì lý do sức khỏe anh được công ty đồng ý tạm hoãn HĐLĐ trong 2 tháng. Hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ theo quy định, anh trở lại công ty làm việc thì được công ty thông báo, 2/3 công nhân, trong đó có anh, được tạm hoãn HĐLĐ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. “Quyền lợi của tôi về việc tạm hoãn HĐLĐ lần trước và lần này liệu có khác nhau không?” - anh Son hỏi.

Hòa giải viên Phạm Đình Đức cho hay: “Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ là khoảng thời gian NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm ngừng thực hiện các quyền, nghĩa vụ đã cam kết trong HĐLĐ. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ (như: không hưởng lương và các chế độ phụ cấp khác, không đóng và tính thời gian hưởng BHXH nếu NLĐ tạm hoãn HĐLĐ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng…), trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Do đó, theo hòa giải viên Phạm Đình Đức, trường hợp của anh Son, lần hoãn HĐLĐ đầu tiên sẽ thực hiện theo Điều 30 và 31 Bộ luật Lao động năm 2019. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ.

Còn lần hoãn HĐLĐ thứ 2 sẽ thực hiện tiền lương theo Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Cũng theo hòa giải viên Phạm Đình Đức, trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 được hiểu như sau: NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những NLĐ khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

* Hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Ngoài chế độ tiền lương ngừng việc do tạm hoãn HĐLĐ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hòa giải viên Phạm Đình Đức cho hay, hiện tại còn có 2 chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Quyết định 23), NLĐ được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: làm việc theo chế độ HĐLĐ bị ngừng việc theo Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021. Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng NLĐ ngừng việc theo Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người/lần. Bên cạnh đó, NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Ngoài ra, theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19-5-2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4-2021, đoàn viên, NLĐ (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng phí Công đoàn) là F1 phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 1,5 triệu đồng/người. Đoàn viên, NLĐ (tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng phí Công đoàn) phải nghỉ việc để cách ly y tế hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được hỗ trợ mức tối đa là 500 ngàn đồng/người nếu thuộc trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi…​

Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19-5-2021 của Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quy định, đoàn viên Công đoàn, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng phí Công đoàn đã di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê kể từ ngày 1-8-2021, phải thực hiện đúng yêu cầu cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, có hoàn cảnh khó khăn thì được Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận người trở về xem xét hỗ trợ tối đa là 500 ngàn đồng/người…
 ​ 
    Nguồn Báo Đồng Nai

Liên kết website

Lượt truy cập