Quan tâm ổn định quan hệ lao động

Sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới, phần lớn công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào mùa sản xuất, kinh doanh mới với quyết tâm cùng doanh nghiệp (DN) nhanh chóng vực dậy sản xuất sau những ảnh hưởng của đại dịch gây ra. Tuy nhiên, nhiều nơi quan hệ lao động vẫn chưa ổn định, tình trạng ngừng việc và tranh chấp lao động tập thể vẫn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến việc sản xuất của các DN.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động. Ảnh: Lan Mai
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của người lao động. Ảnh: Lan Mai

Chính những vấn đề phát sinh trên, ngoài quan tâm đến tình hình việc làm, đời sống người lao động (NLĐ) thì việc ổn định quan hệ lao động luôn được các cấp Công đoàn quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Hạn chế ngừng việc tập thể

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ ngừng việc tập thể với trên 9 ngàn công nhân lao động tham gia. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, đã xảy ra 15 vụ tranh chấp lao động tập thể với trên 32 ngàn lao động tham gia. Nguyên nhân các vụ đình công chủ yếu liên quan đến việc nâng lương định kỳ hằng năm, nợ lương, chậm trả lương, tiền thưởng Tết, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca…

Khi các sự việc xảy ra, các cấp Công đoàn cùng với đoàn công tác các địa phương đến làm việc với lãnh đạo các DN để nắm bắt tình hình và vận động công nhân trở lại làm việc. Theo đó, sau khi đối thoại với NLĐ và thông báo giải quyết các chế độ, chính sách, NLĐ đã trở lại làm việc bình thường.

Cũng theo LĐLĐ tỉnh, các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra về tính chất không phức tạp so với các năm trước nhưng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, chủ DN chưa tìm được tiếng nói chung trong quan hệ lao động dẫn đến những xung đột nhỏ phát sinh thành mâu thuẫn lớn và đỉnh điểm là ngừng việc tập thể.

Để hạn chế những vụ việc như trên, các cấp Công đoàn sẽ tăng cường đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; đồng thời, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của DN nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Trong các hội nghị giao ban với các cấp Công đoàn trong tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của các cấp Công đoàn Đồng Nai đó là quan tâm nhiều hơn việc làm, đời sống công nhân sau đại dịch Covid-19 và ổn định quan hệ lao động tại DN. Theo đó, các cấp Công đoàn cần bám sát kế hoạch trong hoạt động, tăng cường sâu sát cơ sở để giải quyết những xung đột trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. Khi có những phát sinh trong quan hệ lao động, các đơn vị cần linh hoạt giải quyết nhanh, không để kéo dài. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với DN, địa phương nhằm ổn định lao động để tìm hướng giải quyết các mâu thuẫn ngay từ đầu.

Tại buổi làm việc với Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh về nhiệm vụ hoạt động Công đoàn năm 2022 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tại một tỉnh công nghiệp có đông công nhân lao động như Đồng Nai, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Trong đó, rà soát lại điều nào làm tốt thì phát huy, điều nào chưa tốt thì tiếp tục tác động với giới chủ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ trong DN. Cán bộ Công đoàn phải có năng lực, khả năng thuyết phục chủ DN, kỹ năng vận động công nhân và xây dựng mối quan hệ đoàn kết tại DN. Cán bộ Công đoàn cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, tháo gỡ các vấn đề trong quan hệ lao động, tránh để bức xúc kéo dài bùng phát thành các vụ việc phức tạp.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, vai trò của Công đoàn tại DN cần được phát huy nhiều hơn trong thời gian tới để thương lượng với DN đẩy mạnh chăm lo nhiều hơn đời sống, nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa cho công nhân.

Khi mọi nhu cầu được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm làm việc, gắn bó với DN và địa phương, quan hệ lao động cũng sẽ được thắt chặt. Bên cạnh đó, khi được DN chăm lo kịp thời, NLĐ sẽ chuyên tâm vào công việc, hạn chế được tình trạng thiếu nguồn lực và DN đảm bảo nguồn lực để kinh doanh, sản xuất lâu dài.

* Thực hiện các giải pháp ổn định quan hệ lao động

Để ổn định quan hệ lao động ngay từ đầu năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có công văn khẩn chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Theo đó, đối với các địa phương, đơn vị có đông NLĐ và nhiều DN cùng thuộc một chủ sở hữu hoặc cùng là công ty thành viên của các DN, tập đoàn, tổng công ty hoặc cùng sản xuất, cung ứng cho các DN lớn, các nhãn hàng, DN xuyên quốc gia, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương phải chủ động nắm thông tin về tình hình thực hiện chế độ chính sách, các vấn đề bức xúc của NLĐ, từ đó phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng giải quyết.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cấp chính quyền, Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các DN có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả lương, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra. Ngoài ra, LĐLĐ các tỉnh, thành cần thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất, hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật.

Tại Đồng Nai, thời gian qua, khi các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra, đã có sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, nhất là Công đoàn các cấp đã phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, phát huy tinh thần trách nhiệm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết căng thẳng, sớm ổn định tình hình. Sau những nỗ lực, kiên trì bám sát, đưa ra các điều khoản đàm phán, thỏa thuận, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hài hòa của cả DN và NLĐ, đã góp phần rút ngắn thời gian ngừng việc của công nhân, giúp DN nhanh chóng đón NLĐ quay trở lại sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Biên Hòa cho rằng, để giải quyết các vụ đình công ổn định và tìm được tiếng nói chung giữa DN và NLĐ, rất cần sự kiên trì của cán bộ Công đoàn và sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ rất quan trọng để NLĐ hiểu được những khó khăn thật sự của DN sau ảnh hưởng của đại dịch.

“Những cuộc ngừng việc tập thể xảy ra đều ảnh hưởng từ hai phía là công việc, thu nhập của NLĐ và việc sản xuất của DN. Ngoài ra, còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, xây dựng quan hệ lao động ổn định rất quan trọng không chỉ là vai trò của Công đoàn mà cả DN lẫn NLĐ cùng vào cuộc và hợp tác” - bà Thủy cho hay.

Để ổn định lao động, các chuyên gia lao động, Công đoàn cho rằng, tổ chức Công đoàn cần giám sát việc thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, thang bảng lương, ký kết hợp đồng lao động của DN đối với NLĐ để bảo vệ quyền lợi công nhân kịp thời. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các DN.

Ngoài ra, DN cần xây dựng niềm tin với NLĐ, bởi khi có niềm tin, NLĐ sẵn sàng gắn bó, chia sẻ, đồng hành với DN vượt qua khó khăn; không xảy ra các vụ đình công, nghỉ việc tự phát, cùng nhau xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững. Muốn được như vậy, trong những giai đoạn nhạy cảm như trước và sau Tết, các DN cần chủ động phối hợp tổ chức Công đoàn tăng cường tuyên truyền, giải thích cho NLĐ và công khai minh bạch các thông tin liên quan, phát huy dân chủ rộng rãi nhằm củng cố, tạo niềm tin cho NLĐ.

Theo LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn cải thiện mối quan hệ lao động trong các loại hình DN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong năm 2022, các cấp Công đoàn sẽ linh hoạt đổi mới nội dung hoạt động, phấu đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm. Trong đó, dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ.

Nguồn: Báo Đồng Nai


Liên kết website

Lượt truy cập