Chăm lo sức khỏe cho người lao động

Thực hiện theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, hoạt động khám sức khỏe (KSK) định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được doanh nghiệp (DN) tuân thủ đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động (NLĐ), giúp họ yên tâm làm việc.

Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) được khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm
Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) được khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm. Ảnh: H.Yến

Vấn đề sức khỏe NLĐ càng được quan tâm hơn sau đại dịch Covid-19.

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo chồng từ Bình Dương sang Đồng Nai sinh sống, chị Lê Thị Thủy quyết định vào làm việc tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom). Ngay sau khi được tuyển dụng, công ty đã bố trí xe đưa chị Thủy và các công nhân mới đi KSK tại cơ sở 2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Sau khi KSK, chị Thủy cùng các đồng nghiệp sẽ có các buổi học về an toàn, vệ sinh lao động trước khi đi làm chính thức vào ngày 1-7. Chị Thủy cho biết, được KSK trước khi được bố trí công việc giúp cho chị cảm thấy yên tâm hơn.

Anh Phạm Văn Đô đã làm nhân viên vận hành tại Công ty CP Kinh doanh Khí miền Nam (chi nhánh Đồng Nai) được 8 năm. Vì làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại nên mỗi năm anh được đi KSK định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp một lần. Việc KSK đều đặn và nhận được kết quả tốt về tình trạng sức khỏe của bản thân trong nhiều năm liền giúp anh khá yên tâm dù làm việc trong môi trường có yếu tố nguy cơ.

KSK trước khi bố trí công việc, KSK định kỳ hay khám bệnh nghề nghiệp… là những hoạt động bắt buộc, đã được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động. Theo quy định, NLĐ làm công việc bình thường thì mỗi năm được KSK định kỳ một lần. Những người làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, có các yếu tố độc hại thì ngoài KSK định kỳ còn được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất một lần/năm.

KSK định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, vừa giúp nâng cao sức khỏe NLĐ vừa bảo toàn “vốn quý” cho DN. Một số bệnh nghề nghiệp chính mà NLĐ hay mắc phải là: điếc do tiếng ồn, viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp, bụi phổi, đục thủy tinh thể… Đối với những trường hợp được phát hiện là mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được lập hồ sơ để theo dõi, điều trị và được điều chuyển công việc hợp lý.

BS Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp CDC Đồng Nai cho biết: “Căn cứ vào kết quả sức khỏe của NLĐ, kết quả quan trắc môi trường lao động, chúng tôi còn đưa ra những đề nghị, khuyến cáo để DN cải thiện môi trường làm việc, bố trí việc làm phù hợp với sức khỏe NLĐ”.

Chẳng hạn, để đề phòng các trường hợp có bệnh về mắt, trung tâm đề nghị DN cần có biện pháp tạo nguồn ánh sáng đủ tiêu chuẩn cho phép tại các vị trí sản xuất trong nhà xưởng. Trung tâm cũng thường xuyên khuyến nghị các DN làm tốt hơn công tác duy tu bảo dưỡng máy móc trước khi vận hành nhằm giảm cường độ tiếng ồn; bố trí máy móc, sắp xếp dụng cụ hợp lý; trang bị đầy đủ các bảo hộ lao động cá nhân và đúng tiêu chuẩn vệ sinh lao động (nút tai, chụp tai, quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mặt nạ…).

Cùng với đó, các DN còn định kỳ tổ chức tập huấn sơ cấp cứu, phòng chống bệnh nghề nghiệp với sự hướng dẫn trực tiếp của đội ngũ y, bác sĩ của các cơ sở y tế.

* Quan tâm sức khỏe NLĐ hậu Covid-19

Theo BS Sang, hiện nay phần đông DN đã tuân thủ các quy định về việc KSK, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động. Ngoài CDC Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn có 9 cơ sở y tế khác được phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp. Hằng năm, các DN chủ động hợp đồng với các cơ sở y tế này để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động KSK, khám bệnh nghề nghiệp bị chững lại. Riêng tại CDC Đồng Nai, công việc này gần như ngưng toàn bộ để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đến nay, hoạt động này bắt đầu sôi động trở lại. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 32 DN tổ chức khám bệnh nghề nghiệp và KSK trước khi bố trí việc làm cho gần 15 ngàn công nhân, 20 DN tổ chức KSK định kỳ cho hơn 14,5 ngàn công nhân, 17 DN phối hợp tổ chức tập huấn phòng chống bệnh nghề nghiệp cho hơn 750 công nhân.

Công nhân được đo thính lực khi đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Công nhân được đo thính lực khi đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Việc KSK định kỳ cho NLĐ thời kỳ hậu Covid-19 là rất quan trọng và cần thiết. Theo đó, NLĐ sẽ được chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu, đo chức năng thông khí phổi, khám nội, khám tổng quát (mắt, tai, mũi, họng, răng, hàm, mặt, đo huyết áp...). Đối với người từng bị Covid-19, những xét nghiệm này có thể giúp phát hiện bất thường, được khuyến cáo khám chuyên sâu để có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng.

Tháng 4-2022, Bộ Y tế đã biên soạn dự thảo thông tư quy định bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do NLĐ phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động. Theo dự thảo, có 6 nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 được đề xuất là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội.

Sức khỏe của NLĐ giai đoạn hậu Covid-19 là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của các ngành chức năng, DN. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngoài sức khỏe về thể chất, NLĐ cũng cần được quan tâm về sức khỏe tâm thần. Đây cũng có thể là một chỉ số để đo lường sức khỏe của NLĐ.

Báo Đồng Nai


Phó giám đốc CDC Đồng Nai NGUYỄN AN LINH: Đồng Nai có nhiều cơ sở được phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp

Theo công bố của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế (tháng 4-2021), cả nước có 80 cơ sở được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp. Trong đó, Đồng Nai có 10 cơ sở đã được cấp phép. So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Đồng Nai là tỉnh có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nghề nghiệp nhất. Trong số 10 cơ sở nêu trên, chỉ có 2 cơ sở y tế công lập là CDC Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, còn lại là 8 cơ sở ngoài công lập.

Tháng 11-2020, đoàn công tác của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với CDC Đồng Nai. Theo đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đặt vấn đề hợp tác, hỗ trợ để đưa CDC Đồng Nai trở thành mô hình điển hình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NLĐ, bảo vệ môi trường, là vệ tinh vùng đầu tiên của viện tại khu vực phía Nam, tiến tới xây dựng Trung tâm Cung ứng dịch vụ sức khỏe môi trường vùng. Tuy nhiên, sau khi đặt vấn đề, do điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên đến nay hoạt động này vẫn chưa được triển khai.

Chị NGUYỄN KIỀU NGA, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Ofi Việt Nam - chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa 2: Tổ chức nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe người lao động

Ofi Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Olam International, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản thực phẩm. Hằng năm, ngoài tổ chức cho công nhân khám sức khỏe định kỳ, khám tổng quát phát hiện nguy cơ bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, công ty còn có nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe khác cho NLĐ. Chẳng hạn, công ty hợp tác với đơn vị có chuyên môn để tổ chức các chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; tạo các nhóm Zalo, trong đó có kết nối với bác sĩ chuyên môn để trả lời, hướng dẫn trực tiếp NLĐ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe; có chế độ linh hoạt giờ làm việc cho NLĐ đang nuôi con nhỏ…

Năm 2021, công ty đã trang bị phòng vắt và trữ sữa cho nữ công nhân viên tại nơi làm việc. Năm nay, công ty đang có kế hoạch thực hiện chương trình Ăn tốt sống khỏe, trong đó sẽ hướng dẫn kiến thức về chế độ dinh dưỡng, khuyến khích NLĐ tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

           Báo Đồng Nai

Liên kết website

Lượt truy cập