Ngày viêm gan thế giới (28-7): Đừng để phải tốn nhiều chi phí trị bệnh viêm gan

Trong đó, bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ trả một phần chi phí xét nghiệm. Còn thuốc uống, thuốc tiêm (vốn dĩ rất đắt) thì bệnh nhân phải tự chi trả. Sau 1 năm, phải đánh giá lại hiện trạng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị mới, kết hợp thêm thuốc uống nếu bệnh chưa khỏi. Ở nước ngoài, hiện đã có thuốc uống điều trị viêm gan C nhưng giá rất đắt. Một liệu trình điều trị, bệnh nhân phải tốn cả… tỷ đồng!

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B chiếm từ 10 - 20% tổng dân số. Đây chính là nguyên nhân gây ra tới hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Còn trên thế giới có 2 tỷ người đã và đang bị nhiễm virus này. Mỗi năm, có khoảng 600.000 người chết do hậu quả của bệnh viêm gan B. Hằng năm, số người bị viêm gan virus B, viêm gan virus C, xơ gan, ung thư gan lên tới 500 triệu người… WHO cũng đưa ra một số khuyến cáo tiêm vắc xin phòng viêm gan virus B là phương pháp có hiệu quả nhất, tuy nhiên phải bảo đảm an toàn trong tiêm chích và trong truyền máu; cần phát hiện và điều trị đúng những người bị viêm gan virus B và virus C...


Tiêm vắc xin viêm gan B

Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao. Ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới. Đáng chú ý, loại bệnh này khó chữa trị, kéo dài và gây tốn kém, tỷ lệ tử vong cao. Chính nó đang là rào cản đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của nước ta.

Hiện nay, bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính tăng theo cấp số nhân. Một người bị bệnh có thể lây truyền cho nhiều người. Bệnh thường lây qua đường: máu, tình dục, mẹ con và tiêm chích ma túy. Đặc biệt tại Việt Nam, viêm gan siêu vi B, C lây qua đường tiêm chích ma túy lại chiếm tỷ lệ cao. Đối với viêm gan siêu vi C, tỷ lệ chữa khỏi chiếm 70 - 80%, còn lại là các trường hợp phải điều trị lại. Điều trị trong 1 năm, sau 24 tuần điều trị, xét nghiệm mà bệnh nhân âm tính, coi như chữa khỏi.

Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng khác là do người dân có nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của hai loại virus viêm gan. Nhiều người cũng chưa biết đường lây truyền của bệnh, cách dự phòng, cách chăm sóc điều trị, vì vậy bệnh từ người này lây qua người khác, từ mẹ lây sang con... Như vậy, để tránh tình trạng chẳng may bị mắc bệnh rồi mới đi điều trị với chi phí khá tốn kém, người dân chỉ cần mất khoảng vài trăm ngàn đồng để tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan, giai đoạn từ 2015 - 2019. Theo kế hoạch trên, các viện, bệnh viện trung ương cho đến các trạm y tế phường, xã đều vào cuộc. Các cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám nhà nước và tư nhân) phải được bảo đảm vô trùng tuyệt đối. Vận động các bà mẹ mang thai bị viêm gan virus đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi, điều trị, để hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm sang con trong khi sinh.

Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế cơ sở để có đủ điều kiện tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm, phát hiện người nhiễm virus viêm gan, từ đó lập kế hoạch dự phòng và điều trị. Tổ chức khám, phát hiện những người đang bị viêm gan virus, lập kế hoạch điều trị đầy đủ để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong…

Theo nguồn: laodongdongnai.vn

Liên kết website

Lượt truy cập