Tình yêu thương của cha mẹ - liều thuốc vô giá

​Theo khảo sát của các nhà khoa học tại Viện nhi Trung ương có khoảng 1% trẻ em được sinh ra mắc chứng bệnh tự kỷ - một trong những nguyên nhân gây nên tàn tật ở trẻ em. Nhân ngày thế giới nhận biết về trẻ tự kỷ (2-4), Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (SPAP) vừa tổ chức buổi nói chuyện và ra mắt cuốn sách “Ðánh thức ban mai” của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, một người mẹ có con bị tự kỷ. Xuyên suốt nội dung cuốn sách và buổi trò chuyện với các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ, với các chuyên gia tâm lý, các chuyên viên can thiệp đưa ra thông điệp: Tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ chính là liều thuốc vô giá, là vành đai bảo vệ trẻ tự kỷ cũng như giúp các em hòa nhập trong cuộc sống.

Tự kỷ là một dạng khuyết tật

Thông qua buổi nói chuyện, rất nhiều chuyên gia tâm lý, nhiều chuyên viên can thiệp và các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ đều khẳng định: tự kỷ là một dạng khuyết tật và dạng khuyết tật gây nên ảnh hưởng tâm lý nặng nề ở con trẻ cũng như sự đau khổ của cha mẹ. “Trong một cuộc khảo sát nhỏ của nhóm nghiên cứu về nuôi trẻ bị tự kỷ thì có từ 5 - 12% khẳng định trong các dạng  khuyết tật thì tự kỷ gây nên những tổn thất tâm lý lớn lao, đau khổ nhất và những ông bố, bà mẹ có con bị tự kỷ là diện khó vượt qua nhất vì nhìn những đứa con khôi ngô tuấn tú nhưng ánh mắt vô hồn, nhìn vào không gian vô định và đặc biệt không nhận biết cha mẹ chúng là ai…”, chị Ðào Linh, người mẹ đã 8 năm bằng tình thương của mình để chữa trị cho con bị tự kỷ chia sẻ.


Tiết mục văn nghệ của trẻ tự kỷ trong buổi nói chuyện

Chị Hoàng Phan Dạ Thảo, mẹ của bé Tùng Quân cho rằng: “Con tôi được 24 tháng thì tôi phát hiện cháu có những biểu hiện không bình thường, tôi đã đưa con đi nhiều bệnh viện, nhiều nơi để chữa trị nhưng hầu như không có kết quả. Qua thông tin đại chúng, tôi đưa cháu đến SPAP sau hơn 6 tháng vào điều trị bằng các biện pháp can thiệp, tình thương yêu của các thầy cô giáo Trung tâm, đặc biệt là sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, đến nay Tùng Quân đã có những dấu hiệu chuyển biến tốt. Cháu đã cười, vẫy tay khi nhìn thấy cha mẹ, biết biểu hiện cảm xúc khi cha mẹ mua đồ chơi mới”. 

Chị Thái Thị Tố, mẹ của bé Lý Văn Thái Huy 6 tuổi cho biết: “Khi con tôi được 3 tuổi, chúng tôi thấy cháu có những biểu hiện bất thường. Cả hai vợ chồng bỏ việc đưa con đi chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả. Sau gần 2 năm đưa cháu vào điều trị tại SPAP cháu đã có chuyển biến tích cực. Tự một đứa trẻ không nói, không cười và vô cảm, giờ Thái Huy đã cười nói vui vẻ, tham gia múa, biểu diễn văn nghệ hòa nhập với các bạn ở Trung tâm…”.

Cần phát hiện và can thiệp sớm

Theo một khảo sát của Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội Tâm lý học Việt Nam thì tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ chiếm 1%/tổng số trẻ được sinh ra, nhưng chấp nhận và coi là một căn bệnh - nguyên nhân gây ra những tàn tật ở trẻ, không phải đã được xã hội nhận thức đầy đủ. Cũng tại buổi nói chuyện, Thạc sĩ Lê Minh Công, Phó giám đốc Trung tâm SPAP cho rằng: “Hầu hết khi phát hiện ra trẻ bị tự kỷ thì 75% việc chăm sóc các cháu đều do người mẹ, rất nhiều trường hợp được phát hiện ở giai đoạn muộn (sau 3 tuổi) nên tỷ lệ can thiệp thành công chỉ chiếm 30%, để mất rất nhiều cơ hội vàng cho trẻ”.

Theo Thạc sĩ Lê Minh Công, trẻ bị tự kỷ rất cần được phát hiện và can thiệp sớm (trước 3 tuổi) mới không để mất “cơ hội vàng” cho các trẻ. Cơ hội vàng ở đây là dưới 3 tuổi thì tỷ lệ bệnh được chữa khỏi sẽ cao hơn so với việc phát hiện muộn. Song do nhận thức, do không đủ thời gian, không có kỹ năng và một số cho là công việc của nhà chuyên môn nên việc phát hiện các trẻ tự kỷ đều ở giai đoạn muộn (chiếm trên 76%). Theo các chuyên gia tâm lý bệnh tự kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị khuyết tật với các mô hình chẩn đoán như suy yếu về quan hệ xã hội, suy yếu về ngôn ngữ, ngại giao tiếp và nhiều sở thích của trẻ bị hạn chế.

Khi trẻ mắc bệnh tự kỷ, không chỉ các em thiệt thòi mà điều làm các bậc phụ huynh băn khoăn lo lắng là thiếu môi trường cho các em hòa nhập; thậm chí còn có cả sự phân biệt, kỳ thị đối với những trẻ này. Nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ lo lắng chia sẻ, điều mà họ sợ nhất là con của họ chuẩn bị đến tuổi vào tiểu học liệu có trường nào nhận các cháu?. Sự kỳ thị cho thấy nhiều nhất vẫn ở các trường học bởi các nguyên nhân như giáo viên chưa thực sự am hiểu về lĩnh vực này và các trường cũng không có chính sách riêng cho trẻ tự kỷ… 

Cũng theo các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và nhiều chuyên gia tâm lý, hiện các chính sách của Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, còn trẻ tự kỷ thì hoàn toàn chưa có chính sách gì, mặc dù theo nghiên cứu thì tự kỷ là một trong nhiều nguyên nhân của khuyết tật ở trẻ. Trong điều kiện như thế, chỉ có tình yêu thương vô bờ của cha mẹ mới là vành đai lá chắn vững chắc, là liều thuốc vô giá để điều trị cho con. Cùng với đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho xã hội về căn bệnh này sẽ giúp các trẻ không mất đi “cơ hội vàng” để hòa nhập cuộc sống.

Chị Việt Hà, tác giả cuốn sách “Đánh thức ban mai” chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là một người mẹ có con bị tự kỷ. Hơn ai hết chính là các bậc cha mẹ phải là người đi tìm và “đánh thức ban mai” cho những đứa con không may bị tự kỷ”. Tin và hành động vì tình yêu con của Việt Hà đã giúp cho đứa con trai bé bỏng của chị từng bước hòa nhập với cuộc sống của những trẻ em khác tại Trung tâm SPAP.

Theo nguồn: laodongdongnai.vn

Liên kết website

Lượt truy cập