Nhớ ngụm vối quê nhà

 
Ngày ấy, chúng tôi, đám trẻ con lon ton lên năm lên sáu, ngày ngày gắn bó, thân thuộc với gốc vối. Cây vối cao lớn được ba trồng từ khi về sống chung với mẹ. Tán lá rộng xòe tròn bao phủ cả một góc ao mát rượi. Ðám con nít ngồi núp dưới bóng vối vừa chơi trò dân gian vừa xem cá tung tăng đớp khí. Ðó còn là khoảng không gian nghỉ ngơi của ba mẹ mỗi khi đi làm đồng về mệt nhọc. Ba tôi đùa như thật, rằng, dường như mỗi khi ngồi dưới gốc vối, cơ thể được tiếp thêm luồng sinh khí mát mạnh, cơ thể từ mệt mỏi chuyển sang sảng khoái, tràn trề năng lượng. Và, tôi tin lời ba nói là đúng, mỗi khi có chuyện không hay tôi lại ra gốc vối để lấy lại tinh thần.

Không chỉ mùa hè mới dùng nước vối mà còn có thể dùng quanh năm suốt tháng. Mẹ tôi, cứ sáng sáng khi giọt sương mai đang còn tinh khiết trên chồi, trên nụ. Người lại cần mẫn ra cây hái những nụ vối xanh vào mẹt, hong  khô rồi bỏ vào bình sứ, bảo quản rồi pha uống dần. Tối tối cả nhà lại quây quần bên nhau uống nước vối trò chuyện rôm rả. Người ta thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng với gia đình tôi thì bát nước vối lại là nơi khơi mào những câu chuyện vui vẻ, thân tình. Bên bát nước vối thanh mát ba kể chuyện xưa đi lính, mẹ kể chuyện làm cô dân công đảm đang. Còn chị em tôi lại tíu tít chuyện trường lớp bài vở.

Bát nước vối cũng là nơi gắn bó tình làng nghĩa xóm. Hãm bát chè vối đang còn nóng hổi, ba gọi ngay chú Thịnh hàng xóm sang uống cùng, hút điếu thuốc lào phảng phất khói. Và dường như hàng xóm làng giềng của nhau không bao giờ thấy tiếng cãi vả to tiếng. Tôi nghĩ cũng một phần nhờ bát nước vối gắn kết mọi người lại với nhau.

Không giống như trà xanh, nước vối có thể dùng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhắc lại chuyện xưa tôi như thấy mình đang mắc nợ, mang ơn loài cây thân thương này. Cứ mỗi khi hè tới, những cơn gió Lào hầm hập thổi sang, thân thể tôi lại mọc đầy mụn nhọt, rôm sảy. Như một vị thuốc kì diệu. Chỉ cần tắm nước lá vối tươi nấu lên, bao nhiêu mụn nhọt rôm rảy tan biến khi nào không hay. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, lá vối được các bậc phụ huynh có con chốc, sài truyền miệng nhau để chữa bệnh.

Những năm cuối cấp ôn thi tôi vẫn dùng nước vối uống như một loại nước thanh nhiệt cơ thể, giúp đầu óc thêm minh mẫn. Tuổi trưởng thành, ra phố học tập và làm việc tôi vẫn mang theo những nụ vối khô để làm trà hãm uống dần dần. Cũng học theo cách của mẹ, tôi để nụ vối trong vò sứ, chần nước sôi trước khi hãm để cho bớt vị chát, nhưng nước vẫn không thể nào ngon như mẹ hãm. Những người bạn học, đồng nghiệp mỗi khi tới chơi được tôi mời chén trà vối đều tỏ ra thích thú. Chúng nó mắt tròn mắt dẹt nhấp ngụm nước vối tựa như đang uống bát nước lạ lùng. Lâu dần thành quen, rồi đâm “nghiện”. Lần về quê nào lũ bạn cứ dặn tôi đưa lên phố những túi nụ vối phơi khô.

Ðùng một cái, quê tôi được quy hoạch lên thị xã, những nhà cao tầng vì thế mà cũng ra đời. Bao hồ ao, đường sá san bằng làm lại, ruộng đồng nhường chỗ cho nhà máy, khu công nghiệp. Những cây vối quanh ao cũng dần biến mất. Nhưng nhà tôi ba vẫn kiên quyết nhân một gốc vối khác cạnh góc vườn. Mỗi lần về quê, nhấp ngụm nước vối thanh mát, bao kỉ niệm xưa lại ùa về. Liệu ai còn nhớ bát nước vối quê?!

Theo nguồn: laodongdongnai.vn

Liên kết website

Lượt truy cập