Còn nhiều hạn chế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

​“Không chỉ Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) tỉnh, nhiều đơn vị như: Trung tâm sức khỏe sinh sản tỉnh, hệ thống phòng khám của MSI (một tổ chức phi chính phủ) đều có dự án, chương trình chăm sóc SKSS cho nữ công nhân”, BS. Trần Phương Hoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh cho biết. Riêng Chi cục cũng như các Trung tâm dân số vẫn thường có kế hoạch đến trực tiếp các doanh nghiệp để nói chuyện về chăm sóc SKSS ngay tại các nhà máy, hoặc thường xuyên đến các khu trọ công nhân để tuyên truyền về sức khỏe tiền hôn nhân. “Tuy nhiên, các hoạt động trên mới chỉ dừng lại ở việc tuyên tuyền, chứ chưa có cung cấp dịch vụ”, BS. Hoa nói.



Khám bệnh cho công nhân Công ty TNHH Changshin (xã Thạnh Phú, Vĩnh Cửu)

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGÐ nhận định: Ðồng Nai vốn có đặc thù là một trong các tỉnh “hút dân” khá lớn do có nhiều khu công nghiệp. Chúng tôi quan niệm, người dân có mặt ở đâu thì cung cấp dịch vụ ở đấy, không kể người dân sở tại hay nhập cư. Ðồng Nai có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc SKSS cho công nhân: tuyên truyền ngay tại nhà máy, đội ngũ cộng tác viên đến tận nhà trọ để tuyên truyền… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều công nhân nữ vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc SKSS, dễ mắc các bệnh xã hội.

BS. Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế nhận xét: Việc chăm sóc SKSS cho nữ công nhân ở các khu công nghiệp đã được ngành Y tế quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng công tác chăm sóc SKSS cho nữ công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do công nhân tập trung làm việc, tăng ca thường xuyên nên họ ít có thời gian cũng như điều kiện đến các phòng khám sản, phụ khoa để khám bệnh. Vì vậy, theo BS. Hải, trong 5 năm gần đây, Sở Y tế đã phối hợp với MSI để đặt các phòng khám ở các doanh nghiệp lớn, đông nữ công nhân. Qua đó, phòng khám này sẽ tổ chức chăm sóc SKSS cho nữ công nhân ở các nhà máy. 

Hiện ở Ðồng Nai, phòng khám MSI mới chỉ hoạt động ở 6 nhà máy lớn, phục vụ khoảng 120 ngàn công nhân. Trong khi đó, lực lượng công nhân nữ lên đến khoảng trên 565.000 người. Như vậy, số lượng phòng khám trên cũng chỉ như “muối bỏ biển”.

“Rào cản” chăm sóc sức khỏe sinh sản

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh cũng cho biết, thực tế người lao động trong các khu công nghiệp ngại đi khám bệnh. Chỉ khi cảm thấy có bệnh, họ mới chịu đi khám. Nguyên nhân là do viện phí đắt đỏ, thủ tục BHYT còn rườm rà nên mất nhiều thời gian để khám bệnh trong khi áp lực công việc tại dây chuyền sản xuất khiến công nhân khó xin nghỉ. 

Qua các chương trình chăm sóc SKSS tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhu cầu của nữ công nhân lao động, nhất là công nhân trẻ về chăm sóc SKSS là rất lớn. Song, do ít hiểu biết về kỹ năng sống, kiến thức về hôn nhân gia đình, về giới tính, BHYT không bao gồm các dịch vụ SKSS, sợ tốn kém và phần lớn còn e ngại khi nói đến vấn đề liên quan đến giới tính, sinh đẻ… tất cả đã trở thành “rào cản” khiến nữ công nhân khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS. Ðây cũng là nguyên nhân làm cho  nhiều nữ công nhân phải mang thai ngoài ý muốn. 

Bà Mạnh nói: “Ða số người lao động chưa tiếp cận được các dịch vụ công như khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, gửi con trong các trường công lập. Việc đăng ký tạm trú không đầy đủ dẫn đến không thể khai sinh, đăng ký cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi”.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Có lợi cho công nhân và cho cả doanh nghiệp

Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế, xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu và do tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International (MSI) tại Việt Nam thực hiện. Dự án được triển khai từ năm 2013 và đến hết năm 2015, dự kiến sẽ có ít nhất 160,000 công nhân tại Bình Dương và Đồng Nai được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam, khi công nhân hoạt động trong các doanh nghiệp được chăm sóc tốt về mặt sức khỏe sinh sản, các doanh nghiệp sẽ có lực lượng lao động khỏe mạnh hơn và gắn bó hơn với doanh nghiệp hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động dẫn đến tăng trưởng kinh doanh bền vững. Như vậy, cải thiện chăm sóc sức khỏe sinh sản mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp cũng như cải thiện đời sống của người lao động và gia đình của họ”.

Liên kết website

Lượt truy cập